Vì sao có tục đốt vàng mã?

Lễ nào là lễ trọng?

Đây là câu hỏi phổ biến của nhiều gia đình:
-Trong một năm có nhiều lễ giỗ: Giỗ cha, mẹ ,ông , bà, cụ , kỵ .v.v... thì giỗ nào quan trọng hơn cả?
- Sau khi an táng xong, có lễ ba ngày , 49 ngày, 100 ngày, lễ giỗ đầu, lễ giỗ thứ hai.v.v... lễ nào là lễ chính?
Đáp: Thời xưa chưa thấy ghi trong điển lễ, nhưng thời nay lại là vấn đề rất thiết thực, vì nhà nào cũng vậy con cháu nội ngoại công tác cư trú phân tán mỗi người một nơi, không mấy gia đình không có người đi xa, trong một năm chỉ có điều kiện tụ hội gia đình một hoặc hai lần nhân ngày lễ trọng của gia đình, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, muốn mời bà con khách bạn trước là tới dự lễ gia tiên cùng thoả nguyện tâm linh, sau là để tỏ tình thân hiếu, không thể rải ra nhiều lần, vậy phải xác định tập trung vào lễ chính.
Về lễ giỗ thì phong tục các nơi nói chung đều thống nhất lấy giỗ cha mẹ là chính (chú ý cha mẹ của người tôn trưởng nhất trong nhà ) còn lễ tang thì phong tục mỗi nơi một khác. Có nơi chú trọng lễ 49 ngày là chính, có nơi lễ 100 ngày là chính, có nơi làm lễ 3 ngày xong xuôi tốt đẹp là được, bởi lẽ trong khi tang gia bối rối, việc thù đáp đối với thân bằng cố hữu và những người đến hộ tang có thể còn nhiều khiếm khuyết nên lấy lễ ba ngày làm lễ trọng, để nhân lễ này tang gia tạ ơn những người săn sóc cha mẹ mình khi đau yếu và giúp đỡ gia đình lo xong phần an táng. Có nơi coi trọng lễ giỗ đầu (gọi là "Tiểu tường") có nơi coi trọng lễ giỗ thứ hai (gọi là "Đại tường", còn gọi là "giỗ hết"). Có lập luận cho rằng: Đã gọi là "Tiểu tường". Xét theo lễ nghi thì ngày nay kết hợp đại tường và đàm tế có nhiều nghi tiết phức tạp hơn tiểu tường (xem phần: "Cách tiến hành đàm tế").
Tóm lại: Hoàn cảnh kinh tế, hoàn cảnh sinh hoạt thời xưa thời nay khác nhau, đây là vấn đề thiết thực, nhất là đối với những gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế và con cháu làm ăn xa nên tuỳ theo phong tục từng nơi. Hoàn cảnh cụ thể từng nhà mà thoả ước với nhau, có điều kiện thì hội tụ gia đình, ai ở xa nhớ ngày nhớ tháng làm lễ tưởng niệm cũng được.

82. Khi hết tang làm lễ trừ phục (đàm tế) như thế nào?

Sau hai năm chọn một ngày tốt trong vòng ba tháng dư ai, để làm lễ trừ phục. Trừ phục gồm 3 lễ:
1. Lễ sửa mộ: Đắp sửa mộ thành mộ tròn.
2. Lễ đàm tế: Cất khăn tang. Huỷ đốt các thứ thuộc phần lễ tang, rước linh vị vào bàn thờ chính. Bỏ bàn thờ tang. Thu cất các bức trướng. câu đối viếng.
3. Lễ rước linh vị vào chính điện và yết cáo tổ tiên: Chép sẵn linh vị mới, phủ giấy hay vải đỏ, khi đàm tế ở bàn thờ tang xong thì đốt linh vị cũ cùng với băng đen phủ quanh khung ảnh và văn tế. Sau đó rước linh vị, bát hương và chân dung (nếu có) đưa lên bàn thờ chính, đặt ở hàng dưới. Trường hợp nhà con thứ không thờ gia tiên bậc cao hơn thì vẫn để nguyên bàn thờ như cũ, không phải chuyển bàn thờ mà chỉ cần yết cáo gia thần và yết cáo tổ ở nhà thờ tổ.

83. Vì sao có tục đốt vàng mã?

Theo quan niệm của người đời xưa, người chết cũng cần ăn uống, nhà cửa, quần áo, hút thuốc, ăn trầu, cũng cần tiền xe, cần tiền đi lại và mọi khoản chi dùng như khi còn sống...
Người chết cũng được chia một phần gia tài. ở Sơn La, Lai Châu, nhiều nơi còn dựng các nhà mồ, trong nhà mồ cũng có đầy đủ các nồi đồng, mầm gỗ, ấm đất, bát đĩa, dao rựa, chăn chiếu quần áo, mũ nón...đủ tiện nghi cho một cá nhân. Người chết cũng được chia cả trâu, lợn, gà, thóc, gạo... Sau ba năm, tang chủ làm lễ khấn vái và ra mồ xin lại những đồ vật còn dùng được, và súc vật còn sống, kể cả súc vật vừa mới đẻ ra...
Từ việc cúng tế bằng đồ thật, dần dần mới sinh ra lễ đốt vàng mã, tức là thay thế bằng các đồ vật làm bằng tre, gỗ, rơm, rạ, đất sét hoặc giấy tượng trưng, nhưng kích thước thu nhỏ lại để người cõi âm mang đi, nhờ có "Phép thiêng biến ít thành nhiều". áo quần của người chết mặc khi còn sống, để lại nhà mồ sau ba năm mục nát, không nỡ dùng vào việc khác, người ta đốt đi dần dần sinh ra được thay thế bằng quần áo giấy. Vì vậy mới có câu tục ngữ "Đi theo ma mặc áo giấy".

84. Chiêu hồn nạp táng là gì?

Trong gia phả các họ rất chú trọng mục: Mộ táng ở đâu. Trong mục này có một số trường hợp ghi chú: "Chiêu hồn nạp táng" là gì?
Đó là những ngôi mộ không có tử thi, hài cốt, mộ người chết trận, chết đuối hay do thú dữ vồ... không tìm được tử thi. Thân nhân làm hình nhân và làm lễ an táng theo như lễ an táng thông thường.
Được nghe các cụ kể lại rằng: chất liệu làm hình nhân, có địa phương dùng cây núc nác (còn gọi là sò đo thuyền, mộc hồ điệp, nam hoàng bá, bạch ngọc nhi). Núc nác là loại gỗ mềm và xốp, dễ tạo hình, chôn dưới đất lâu hoai, lại dễ kiếm vì mọc ở nhiều nơi. Có địa phương dùng bùn lấy ở giữa dòng sông, có địa phương dùng mùn đào ở giữa ngã tư đường cái.
Hình nhân được đẽo gọt hoặc nhào nặn thô sơ, có đầu mình chân tay là được (vì đa số không phải là nghệ nhân). Kích thước của hình nhân khoảng 30-40 cm chiều dài. Thi hài tượng trưng đó cũng được khâm liệm, đưa vào áo quan làm bằng gỗ vàng tâm, kích thước nhỏ bé, hoặc đưa vào tiểu sành. Trên hình nhân có phủ lên linh vị viết trên giấy kim tuyến, nội dung giống như linh vị đặt ở bàn thờ. Trước khi làm lễ an táng có mời thầy cúng làm bùa ấn phù phép để vong hồn nhập vào hình nhân.
Lễ an táng và các lễ các lễ khác cũng tiến hành như tang lễ thông thường.

85. Hình nhân thế mạng là gì?

Ở nước ta chưa có "Tục tuẫn táng" nhưng đời trước có tục đốt hình nhân thế mạng, vốn xuất xứ từ tục tuẫn táng, nhân đạo hơn so với tuẫn táng.
Để vua chúa xuống dưới âm cung có người hầu hạ, tục ta không chôn người sống mà dùng hình nộm làm bằng tre nứa, quấn bằng rơm rạ hoặc nhào nặn bằng đất sét, ngoài dán giấy làm quần áo rồi vẽ mặt mũi, sau đó khi tế lễ xong thì đốt hình nhân đó cùng với vàng mã. Nếu lễ thuỷ thần, long vương, hà bá thì làm thuyền bằng giấy kết trên thân cây chuối rồi đặt hình nhân vào thuyền và thả trôi sông. Có người nghe theo lời bói toán nhảm nhí sắp đến vận hạn bị hung thần quỷ dữ bắt, phải nhờ thầy cúng làm lễ, đốt hình nhân thế mạng. Có người vì mối tư thù nhưng yếu thế không trả thù được bèn nghĩ cách làm hình nhân rồi đề tên họ, huý, hiệu của kẻ thù vào trước ngực hình nhân, cắm ở ngã ba, ngã tư đường cái, thắp hương cắm lên đầu hình nhân để nhờ thần linh bắt tội người đó.
Đây là một tập tục chứa đầy tính chất mê tín, dị đoan đã bị đả phá, bãi bỏ từ đầu thế kỷ. Chính quyền phong kiến đã ra lệnh cấm hủ tục này. Kẻ nào cố tình vi phạm, nếu phát hiện được sẽ bị phạt nặng. Địa phương nào để những tục đó xảy ra, nếu phát hiện được thì lý trưởng nơi đó bị cách chức. Thế mà ngaỳ nay, chúng tôi thấy hủ tục này lại có cơ phát triển, cho nên việc bài trừ hủ tục nhảm nhí này là cần thiết, phù hợp với việc xây dựng nền văn hoá mới.

Bản đồ